Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Thế gian ơi ta biết mi rồi...



VRNs (30.07.2010) - Sài Gòn - Trên đường vạn lý loan báo Triều đại Thiên Chúa đang đến, nhiều người nhìn nhận uy tín của Chúa Yêsu. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Hai anh em chia gia tài với nhau không xong, nên đã cầu cứu, xin Chúa Yêsu làm trọng tài chia của cải giữa họ. Nhưng đối với Chúa Yêsu, tài sản không phải là đối tượng quan trọng nhất để con người ta bỏ mọi sự cho nó, mà sự sống đời đời mới là đối tượng cần quan tâm hơn.



VẬT CHẤT LÀ CHỔ DỰA VỮNG CHẮC?


Trong các hội đoàn Công giáo lúc này tài chánh cũng đã trở thành vấn đề lớn để quan tâm. Nhiều người trong các hội đoàn còn nói "không có tiền thì không làm gì được !". Giá trị của cuộc sống cũng thay đổi. Trước đây tình yêu, lòng chung thủy, sự hy sinh … là những giá trị luôn luôn được xếp ở vị trí cao, còn bây giờ, vị trí cao nhất là "tiền". Để quyết định cho hai bạn trẻ kết hôn với nhau hay bỏ nhau, người ta xem túi tiền của hai bên thế nào, chứ không còn quan tâm lắm hai bạn trẻ đó yêu nhau đến mức nào. Để kính trọng một người thì người đó phải giàu có, chứ người nghèo chỉ có xin ăn, làm phiền cho mọi người thì đừng hòng được ai kính trọng.


Tất cả đều coi vật chất là chổ dựa an toàn.


Trong hoàn cảnh này, dụ ngôn Chúa Yêsu kể rất đáng giá. Một ông nhà giàu có nhiều kho lẫm đầy ấp thóc gạo và những thứ vật chất khác đã thốt lên: "Hôn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã" (c. 19). Nhưng Chúa Yêsu lại quát mắn anh ta: "Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẳn đó sẽ về tay ai?" (c. 20).


Đúng là gần mực thì đen. Một mặt chúng ta chống đối những người vô thần và chủ thuyết của họ. Mặt khác, chúng ta cố gắng thích nghi để sống chung với họ, và chúng ta đã nhiễm họ nặng đến như vậy mà vẫn chưa nhận ra.


Không biết đến bao giờ, người Công giáo chúng ta mới bức ra được khỏi sự buộc chặc của vật chất đến như vậy?



VẬT CHẤT SẼ QUA ĐI


Đam mê vật chất và thế gian không chỉ đến thế kỷ 21 này mới kinh khiếp như thế, nhưng hình như thời nào cũng vậy. Thời thánh Alphongsô, thế kỷ 18 là một ví dụ điển hình.


Bố của ngài, cụ Joseph Ligori rất tin Chúa nhưng cũng rất tin vào quyền lực thế gian và vật chất. Ông tự hào vì vinh quang đang tỏa ra nơi chàng trai luật sư Alphongsô, con trai ông, và ông cho rằng đó là một bảo đảm chắc chắn. Nhưng Alphongsô là người trong cuộc thì thấy khác.


Sau những cuộc tranh tụng oai hùng tại pháp đình, chàng luật sư lại lầm lủi đến làm bạn các bệnh nhân hết thuốc chữa của bệnh viên, chứ không lao vào tiệc tùng ăn mừng chiến thắng. đơn giản vì trong những đám tiệc đó, Alphongsô không thấy được mình, mà cảm thấy lạc lõng. Trong khi đó, bên những người bệnh nan y này, Alphongsô như thấy bóng dáng mình thấp thoáng đâu đó. Một tâm trạng trái ngược hẳn với cụ Joseph và nhiều người khác. Vinh quang thế gian không có gì chắc chắn và dài lâu cả. Bởi vinh quan thế gian không đơn thuần là công lý là sự thật, mà rất nhiều khi nó được kết thành bởi sự gian dối, lộc lừa.


Vụ án cuối cùng của Alphongsô với tư cách là luật sư là một khẳng định chắc chắn rằng vinh quang thế gian chỉ là hư ảo, vì toàn bộ là gian manh. Khi tham gia tranh tụng để bảo vệ quyền lợi người bị hại, Alphongsô đã bóc trần sự thật một cách hồn nhiên để hầu đem lại lợi ích cho thân chủ. Nhưng thế gian vốn không thích sự thật, nên đã sẳn sàng toa rập với nhau tạo ra một cái như là sự thật, để rồi công nhận nó, mặc dù ai cũng biết đó là giả hiệu, giả dối. Đối diện với biến cố đó, Alphongsô đã phải thốt lên: "Thế gian ơi, ta biết mi rồi !"


Nổ lực của con người để tạo ra sự an toàn cho mình dựa vào vật chất hay vinh quang thế gian cuối cùng cũng chỉ là thế. Nhưng không hiểu tại sao, ngày nay con người lại dễ dàng để mình bị mắc lừa thế gian đến thế?


An Thanh, CSsR

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

ÔN LẠI NHỮNG LỜI KINH XƯA - Lm Matthew Vũ Khởi Phụng CSsR



Mấy tháng nay dư luận vẫn xôn xao về bản dịch mới Phụng Vụ Thánh Lễ. Nhiều ý kiến đã phát biểu trên báo, trên mạng, trong những cuộc hội thảo, và nhất là trong những câu chuyện hằng ngày. Có ý kiến gay gắt, có ý kiến cay chua. Nghe đâu các đấng bậc trong Hội Thánh không muốn cho tranh cãi nhiều về chuyện này, vì thế có nhiều người định nói lại thôi, nhiều cơ quan ngôn luận đã hoặc đang chuẩn bị đăng tải những ý kiến nảy lửa lại tự kiềm chế, tự kiểm duyệt.


Tôi cũng chẳng có ý đụng vào vấn đề nóng sốt này. Nhưng nhân chuyện dịch thuật lại sinh ra nghĩ ngợi về sự hiệp thông trong Đức Tin xuyên qua những rào cản của ngôn ngữ. Đức Tin chỉ có một, nhưng ngôn ngữ lại rất nhiều và các thứ rào cản thì chẳng biết là bao nhiêu.


Châu Á mình có vinh dự là nơi phát xuất của các tôn giáo lớn. Đạo Chúa Kitô cũng phát xuất từ châu Á. Các giáo sư Thánh Kinh có giảng rằng: Thánh Kinh có nhiều điểm, nhiều lối nói, người phương Đông dễ hiểu, dễ thông cảm hơn người phương Tây. Dù sao, ta là người Đông Á, còn Thánh Kinh lại mang sắc thái Tây Á, thành ra cái giống nhau với cái khác nhau đan xen. Trong lịch sử Đạo lại đi một vòng dài qua phương Tây rồi mới sang Á Đông, thành ra bao nhiêu giai đoạn là bấy nhiêu tầng ngôn ngữ và văn hóa. Là một Đức Tin, là một di sản phổ quát mà biết bao nhiêu bộ mặt biến hóa.


Thuở xưa, bà nội tôi đọc kinh theo kiểu cổ. Công Đồng Đông Dương đã sửa kinh, nhưng cả chục năm sau đó bà vẫn đọc những lời kinh bà quen từ hồi còn trẻ. Bà tôi đọc Kinh Sáng Danh như sau: "Go-lo-ri-a Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Phi-ri-tô-xăng-tô, trước sau đời đời chẳng cùng Amen".


"Go-lo-ri-a" tức là Gloria ( tiếng Latinh ): vinh quang, sáng danh; còn Đức Chúa Phi-ri-tô-xăng-tô là Đức Chúa Spirito Sancto, tức là Đức Chúa Thánh Thần. Còn "trước sau đời đời chẳng cùng" là điều mà bây giờ trong kinh Phụng Vụ dịch là "đến muôn đời", khiến cho nhiều người vẫn còn cãi là dịch như vậy hay hơn, hay cứ nói như ngày xưa hay hơn.


Kinh Kính Mừng thì bà tôi đọc: "Ave Maria, đầy ga-la-ti-a, Chúa Dêu ở cùng bà, nữ trung bà có phước lạ, thai tử Giêsu gồm phước lạ. Xăng-ta Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, khi nay và cập thần đẳng tử hậu. Amen".


Ga-la-ti-a đây tức là Gratia ( tiếng Latinh ): ân sủng, ân phước. Chúa Dêu, tức là Deus, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, phát âm theo kiểu Bồ Đào Nha. Hết âm hưởng của tiếng Latinh thì đến những từ Hán Văn: "Nữ trung bà có phước lạ", dịch lại là: "Bà có phước lạ hơn mọi người nữ", còn "khi nay và cập thần đẳng tử hậu" thì dịch lại là "khi nay và trong giờ lâm tử". Chỉ có "Amen" là đi xuyên suốt từ thời Kinh Thánh, bất kể phương Tây hay phương Đông, thời xưa hay thời nay.


Bà tôi đã từng trải một cuộc đời có đủ hỷ, nộ, ái, ố; đến lúc tuổi già bà ngồi đọc kinh cả ngày không chán. Cũng như bao nhiêu tín hữu khác, bà đâu có biết tiếng Latinh. Tôi tự hỏi không biết trong những năm tháng dài cầu nguyện đó, bà nghĩ đến điều gì khi hướng về "Maria đầy ga-la-ti-a" ( cũng có người đọc: đầy ga-ra-sa ). Chắc là trong mầu nhiệm "ga-la-ti-a" đó có cả sự trải nghiệm của một đời người được thăng hoa trong Đức Tin.


Thế còn những nhà thần học kinh viện đạo mạo thì nghĩ gì khi nói lên: "de gratia" ? Chịu khó lắng nghe các vị giảng về ân sủng, thấy nói đến nhiều loại gratia, nào là thánh sủng, hiện sủng, trợ sủng, hiệu sủng; mà hiệu sủng lại có hiệu sủng ngoại khởi và hiệu sủng nội khởi. Rồi nghe nói vấn đề tương quan giữa "gratia" và con người tự do là một vấn đề khó kinh khủng, khiến cho các nhà thần học cãi nhau cả nghìn năm giữa một rừng khái niệm trừu tượng. Hóa ra có tất cả những sự ấy trong một lời thì thầm "đầy ga-la-ti-a" của bà tôi sao ?


Lại đi nghe các bậc thầy Thánh Kinh giảng về Ân Sủng, thấy một cội nguồn chứa chan huyền diệu: nào là hesed ân nghĩa tín thành, nào là charis yêu thương diễm tuyệt: ( Xh 34, 6 ). "Yavê ! Yavê ! Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy nhân nghĩa tín thành ( hesed )"


Để rồi cả hesed ( theo tiếng Hipri ) lẫn charis ( theo tiếng Hy Lạp ) kết tinh cả lại nơi Đức Kitô: "Ân sủng ( Charis ) Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần" như Tông Đồ Phaolô vẫn chào mừng Dân Chúa.


Và Charis kết tinh nơi Đức Kitô khiến cho bây giờ ta phải phân biệt, và đôi khi cãi nhau, khi nào dịch Eucharistia là lời nguyện Tạ Ơn, và khi nào dịch là Bí Tích Thánh Thể, là Mình Thánh Chúa, bởi căn của từ Eucharistia là từ "charis". Như vậy, Gratia có biết bao nhiêu sắc thái.


Nhưng "ga-la-ti-a" không phải là vấn đề với bà tôi. "Ga-la-ti-a" là một cái gì ở trong tâm linh cụ, và trong tâm linh thế hệ của cụ, và cả những thế hệ trước. Đó là những người không biết tiếng Do Thái, Hy Lạp, hay Latinh, không biết tiếng Pháp hay Tây Ban Nha, nhưng có biết những mầu nhiệm Đức Tin, mặc dù phải diễn tả qua những ngôn từ lạ lẫm của các thứ tiếng đó. Thời nào cũng có ơn soi sáng của Đức Chúa Phi-ri-tô xăng-tô.


Thời đó Hội Thánh được gọi là Thánh I-ghê-ri-sa ( theo tiếng Tây Ban Nha: Iglesia, hay Bồ Đào Nha: Igreja ). Trong Nhà Thờ, nơi người ta lên rước Mình Thánh Chúa thì gọi là gian Com-mô-nhong ( Communion ), Đức Giáo Hoàng là Đức Thánh Pha-pha ( Papa ), các vị Hồng Y là các đấng Các-đi-na-lê ( Cardinal ) và các Giám Mục là Vít-vồ ( Vescovo, tiếng Tây Ban Nha ). Người ta vừa tận tình với Đạo vừa nói với các ngôn ngữ Việt pha lẫn Latinh và Tây Ban Nha đó.


Nhưng song song với sự lai tạp ngôn ngữ đó, ở một phương diện khác, người ta lại cố gắng trau chuốt câu kinh lời nguyện. Một cách để tạo sự trang trọng là dùng chữ Hán, vì chữ Hán được coi là văn chương bác học, văn chương quý tộc. Vào một Nhà Thờ ngày xưa, giữa một cộng đoàn không phải là nhiều chữ nghĩa lắm, ta có thể bắt gặp những nông dân đang đọc kinh cầu Đức Mẹ: "Thần lạc chi duyên, vị thần đẳng cầu, Hoàng Kim chi điện... kết ước chi quỹ... Thượng thiên chi môn... Hiển minh chi tinh, vị thần đẳng cầu", v.v... Dân gian gọi đó là kinh cầu chữ, kinh cầu chữ tồn tại cùng với kinh cầu nôm, và cả kinh "chữ" lẫn "nôm" đều dịch ý kinh cầu Latinh.


Nhưng kinh Latinh và kinh chữ thì cô đọng, súc tích, còn kinh cầu nôm thì đằng thằng theo lối nghĩ, lối nói của người bình dân xưa.


"Thần lạc chi duyên" là "causa nostrae laetitiae", diễn nôm: "Đức Bà làm cho chúng tôi vui mừng".


"Hoàng kim chi điện": "domus aurea": "Đức Bà như Đền vàng vậy".


"Kết ước chi quỹ": "foederis arca": "Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy";


"Thượng thiên chi môn": "Janua caeli": "Đức Bà là Cửa Thiên Đầng".


"Hiển minh chi tinh": "stella matutina": "Đức Bà như sao mai sáng vậy".


Còn điệp khúc "vị thần đẳng cầu": "Ora pro nobis", đơn giản là: "cầu cho chúng tôi".


Người ta kể chuyện hồi nạn đói năm Ất Dậu, có một ông già Giáo Dân đi lượm xác những người chết đói để an táng. Ông đặt xác lên cái bè trên sông, ông dòng dây đi trên bờ kéo bè về huyệt, vừa đi vừa đọc kinh cầu hồn: "Phục dĩ chí Tôn, chân Chúa cửu trùng, cao ngự chi thiên"... Dân gian gọi đó là "kinh Phục rĩ", theo kiểu phát âm của Giáo Dân vùng đồng bằng ven biển Bắc bộ.


Có thể lúc bình thương, giới thanh niên chỉ thấy đấy là những lời rền rỉ. Nhưng hãy tưởng tượng tình thế bi đát của năm Ất Dậu ấy, ông già kéo xác ven bờ sông, cất lên giọng thê thiết: "Phục rĩ chí tôn..." sẽ thấy đấy là một cảnh tượng đủ tầm cỡ để nằm trong các bộ sử thi hay những cuốn phim nghệ thuật hoành tráng nhất. Đến đây thì không phải là dịch thuật nữa rồi, mà là sáng tạo của Lòng Tin. Dùng chữ Hán đã vậy, lời kinh thông thường vẫn là văn Nôm...


Nhưng lời kinh thông thường không phải bằng chữ Hán, mà là văn nôm. Xin được trích vài đoạn vãn dâng hoa trong tháng kính Đức Mẹ. Nghe nói vãn này có từ hậu bán thế ký XIX, lúc ấy chúng ta còn chúc tụng "Go-lo-ri-a Đức Chúa Phi-ri-tô xăng-tô" mà đã có những lời thơ cầu nguyện thật mượt mà:


Chúng tôi mọn mạy phàm hèn
Dám đâu ghé mắt trông lên bàn thờ
Ngửa xin tràn xuống ơn thừa
Rộng ban giãi tấm lòng thơ trước toà
Chúng tôi lạy Chúa Cha nhân thứ
Đã giữ lời phán hứa rủ thương
Dựng nên rất thánh Nữ Vương
Gây nên mối phúc nêu gương muôn đời.
Chúng tôi lạy Ngôi Hai xuống thế
Cứu loài người chẳng để cho hư
Lại thương trối Mẹ nhân từ
Để cho con mọn được nhờ mọi ơn
Chúng tôi lạy Thánh Thần Chúa cả
Cho Đức Bà phục lạ ơn đầy
Cùng lòng rộng rãi nhân thay
Để con mọn được ăn mày phận thương...


Đóa hoa khúm núm tay bưng
Tấc niềm cần bộc xin từng tỏ ra
Đền vàng quỳ trước dân hoa
Trông lên tháp bảo thấy tòa Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi
Kính dâng Đức Mẹ đời đời ngửa trông.


Những vần những điệu ấy cứ thế ngấm vào lòng người bình dân. Giữa cảnh hương hoa trang nghiêm và lời ca điệu nhạc, ghé mắt nhìn lên tòa Ba Ngôi tháp bảo và thấy mười hai nhân đức gương soi, có lẽ không khác lắm với tâm trạng chúng ta ngay nay, một ngày 15 tháng 8 ở La Vang chẳng hạn, lắng nghe lời sách Khải Huyền về người Phụ Nữ trên đầu có mười hai ngôi sao sáng. Dâng lên bảy hoa năm sắc để rồi nguyện một lời khiêm nhường mà thiết tha:


Chúng con đang chốn phong đào
Mong giao hạt giống e vào bụi gai
Cậy trộng Đức Mẹ nhân thay
Rủ thương vì chúc tụng này cùng hoa
Lòng thốn thảo, đóa linh pha
Xin đều dâng tiến trước tòa Ba Ngôi
Diện tiền cầu khẩn thay lời
Đầm đầm mưa móc trên trời tươi liên
Thêm ơn vun xới cách riêng
Ruộng thiêng sạch cỏ mọc lên giống lành
Hoa nhân ái phúc rủ ngành
Đời nay dùng đủ lại dành đời sau
Tác thành đã được giã tâu
Dám xin hợp ý khấu đầu tạ ơn...


Năm vừa rồi có dịp sang thăm nước Mỹ, tôi được dự cuộc gặp mặt của người đồng hương ở Silicon Valley, Bắc California: mấy cô cậu thiếu niên và những cô cậu bé mới sinh ở Mỹ châu đầu vào nhau chơi đùa, nói tiếng Mỹ rào rạo; nhưng mấy ông bà đứng tuổi thì họp nhau để đọc với nhau nhưng lời kinh đất lề quê thói:


Phép ngắm Rô-sa nguyên cội rễ
Suy ơn chuộc tội loài người thế
Tự sinh nhi tử, tư nhi sinh
Công nghiệp vô cùng khôn xiết kể...
Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay
Xin vị sự nhiệm mầu này rủ thương
Cho con lòng vững đá vàng
Vâng theo Ý Chúa mọi đàng chẳng sai...


Thì ra một nửa vòng trái đất và Silicon Valley vẫn không xóa nhòa được cái bồi hồi gắn với mấy câu kinh quê hương, ở đấy có cái gì đã thành máu thịt và thành phần hồn của người ta.


Hôm nay tôi vừa đọc lời anh Lê Đình Bảng giới thiệu một công trình nghiên cứu của giáo viên sử học Lê Ngọc Bích về những người Công Giáo ngày xưa. Nhà thơ Lê Đình Bảng viết: "Suốt những năm tuổi mọn ở làng quê xứ đạo, bọn trẻ chúng tôi – với chút kiến thức tầm tầm góp nhặt dông dài được từ các môn học phổ thông trong trường lớp – chỉ có rặt một loại văn hóa phẩm. Đó là mớ kinh sách tuồng chuyện, thơ phú, vè vãn của nhà đạo...


Và có lẽ cũng phải kể tới bài học truyền khẩu là ca dao, tục ngữ, đồng dao, truyện Kiều, từ lời mẹ hát ru, từ những đêm trăng trong sáng ngày mùa. Cái vốn liếng chữ nghĩa ăn đong ấy, nói thật lòng, đã nuôi sống, đã thổi chúng tôi lớn lên, vào đời. So với lớp trẻ sau đó và bây giờ, nghĩ mà xấu hổ, vì chúng tôi thua kém đủ điều. Ấy thế mà đến nay, gần cuối vòng đời, vẫn thấy trong lòng mình vang âm cái cảm giác mê mẩn, phiêu linh của câu chữ thủa nào".


Anh Đình Bảng cho rằng những câu chữ ấy gắn liền với "Những còn người, những sự kiện, những trải nghiệm rất máu thịt, rất căn cơ... tai tôi nghe u trầm những cung bậc diệu kì pha lẫn khuất tất, trở trăn từ một cõi nào. Và cứ thế tôi mê mải bước đi, như kẻ xa quê lâu ngày, trở về, lặng lẽ cúi đầu trước cổng làng".


Nhắc lại những chuyện trên đây, tôi không có ý tiếc nuối muốn trở về thời xa xưa. Mỗi thời đều có ngôn ngữ của nó. Xin được nghĩ về chúng ta ngày nay...


Nhắc lại những chuyện trên đây, tôi không có ý tiếc nuối muốn trở về thời xa xưa. Mỗi thời đều có ngôn ngữ của nó. Đương nhiên ngôn ngữ của chúng ta ngày nay hiện đại hơn và ít nhiều cũng Tây hóa hơn so với cả cái mộc mạc lẫn cái duyên dáng của người xưa. Hơn nữa, ta được hưởng rất nhiều điều hay, được nghe giảng Thánh Kinh và Thần Học, được tiếp thu những thành quả của gần một thế kỷ Giáo Hội về nguồn và canh tân; ta lại có các hiến chế và văn kiện của Công Đồng Vatican II, v.v... Xét về nhiều mặt rõ ràng ta giỏi hơn người xưa. Chưa biết chừng nhìn lại quá khứ ta sẽ có chút cảm giác thương hại đối với một thời còn chậm phát triển về mặt Đạo...


Sau thời bà tôi khá lâu, tôi vẫn nhớ những ngày Thứ Sáu Tuần Thánh nghĩ lễ tôn thờ Thánh Giá vẫn cử hành vào sáng sớm. Từ trên cung thánh vọng xuống những giai điệu rất hay và những lời ca Latinh tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Dưới lòng Nhà Thờ, các chị tôi lim dim ngủ gật, lời ca kia như một tiếng hát ru, như một tiếng sáo diều mùa hè. Các chị chỉ giật thót tỉnh thức khi ông Linh Mục người nước ngoài có giọng hát thật mạnh nên được đóng vai "quân dữ", lấy hết âm lượng để hô lên: "Baraba !" Lúc ấy Nhà Thờ đâu đã có micro và loa. Đó cũng là một dấu chỉ thời đại.


Vài năm sau, Đức Giáo Hoàng Piô XII cải tổ Phụng Vụ. Các nghi lễ Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh từ buổi sáng chuyển về buổi chiều cả. Lại thêm một bước tiến.


Tôi quen một Linh Mục nọ vốn theo dõi những cố gắng canh tân Phụng Vụ bên phương Tây: một hôm cha xoay ngược bàn thờ, làm lễ quay mặt xuống Giáo Dân. Đức Giám Mục đến thăm. Ngài dạy rằng đừng làm thế, người ta chưa quen. Cha vâng lời xoay bàn thờ lên. Năm sau Đức Giám Mục đi dự Công Đồng Vatican II về, ngài lại dạy: quay bàn thờ xuống. Cha lại vâng lời. Người ta hỏi sao cha cứ xoay bàn thờ hoài vậy, cha nhăn nhó cười: "Ôi ! Chóng mặt quá !"


Cũng sau một khóa họp Công Đồng, cộng đoàn Phụng Vụ bắt đầu được dự Thánh Lễ đồng tế. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm ấy, các Linh Mục cùng nhau cử hành nghi lễ tôn thờ Thánh Giá vẫn trong phẩm phục đen truyền thống. Tôi nghe một cha giáo già làu bàu: "Hôm nay là ngày phải mặc áo đỏ, chứ ai lại đen thế này." Quả nhiên năm sau phẩm phục ngày Thứ Sáu Thánh từ đen đổi sang đỏ.


Đêm vọng Phục Sinh, sau cải tổ Phụng Vụ, tôi mất đi một giây phút ấn tượng của thời trước: lễ nghi đang diễn tiến dài dòng, chợt có một điểm bừng sáng: phẩm phục của Linh Mục từ mầu tím đột nhiên đổi sang mầu trắng; những tấm màn tối màu âm u hạ xuống, hoa nến ở đâu xuất hiện tưng bừng, cả Nhà Thờ sáng rực lên. Bù lại, tôi có được những ấn tượng khác, rất sâu đậm: nghi lễ thắp nến Phục Sinh giữa đêm tối với lời tuyên xưng "Đức Kitô hôm qua và hôm nay khởi nguyên và khánh thành, an-pha và ô-mê-ga thời gian là của người, đời đời là của người"... Tôi lại được nghe, được hiểu bài tán tụng "Exultet" như đôi cánh tung bay, và lời ca Halêluia trở nên cực kỳ thấm thía.


Tôi còn phải nhắc tới những kinh nghiệm quý báu nơi những vùng việc Đạo đang gặp khó khăn: những nghi lễ Hôn Phối và An Táng đã gây ấn tượng như thế nào trong lòng các bạn bè chưa có Đức Tin, và đã trở nên một dịp loan báo Tin Mừng như thế nào.


Tôi chỉ gi lại trên đây cảm giác của một người tầm thường, chưa dám bàn đến những ý nghĩa sâu xa cần đến các giáo sư Phụng Vụ để làm sáng tỏ.


Nghĩ lại, so với thời bà tôi, tôi cũng đã đi được một chặng đường khá dài. Vậy thì ai lại lội ngược dòng tiến bộ ? Hãy hăng say leo lên đài tương lai. Chỉ có điều con đường đi lên cũng có những hiểm trở của nó. Phải chăng những tranh cãi về bản dịch Phụng Vụ mới cũng có cái gì phản ảnh những hiểm trở đó ?


Ngày xưa bà tôi "A-ve-Ma-ri-a, đầy ga-la-ti-a" quê tôi "Đền vàng quỳ trước dâng hoa" thì cũng chưa phải là lý tưởng, và chắc chắn cuộc sống hồi ấy cũng có những trái ngang của nó. Nhưng trong cõi nhân sinh ấy, hình như có một sự hòa hợp nào đấy: ý với tình, nội tâm với lời nói như nhần nhuyễn với nhau, dù cho tiếng Latinh với chữ Hán lẫn lộn nhau như thế không theo quy luật nào cả. Ai, và thời nào, dám tự cho rằng ý, tình, lời của mình đã đạt đến mức đồng cảm hoàn toàn với Đức Tin của Hội Thánh vốn là cõi cao sâu vô cùng ! Nhưng ít ra những ý ấy, tình ấy, lời ấy giống như những con suối nhỏ quanh co nhưng nhất mực chảy về sông cả biển khơi. Và như thế đó vẫn là những hợp âm quý giá trong bản giao hưởng Đức Tin của toàn Dân Chúa.


Chúng ta bây giờ cũng thế thôi. Cái trái ngang của chúng ta hôm nay hình như là ta đang phải vật lộn với một sự lỏng chỏng nào đó. Với tất cả những tiến bộ, kiến thức, tăng trưởng ta đã thủ đắc, ta đã lúng túng như chưa đạt được một tổng hợp nhần nhuyễn. Trong cố gắng diễn tả Đức Tin cho thật chuẩn xác, đôi khi ta có cảm tưởng như ý ở một đàng, tình ở một nẻo, và ngôn ngữ ta dùng trở nên đề tài tranh cãi gay go với nhau.


Ta hãnh diện vì Đại Lục Châu Á của ta là vùng đất của tâm linh, là nơi phát xuất của các tôn giáo lớn. Đạo Chúa Kitô cũng phát xuất từ Châu Á. Các giáo sư Thánh Kinh có giảng rằng Thánh Kinh có nhiều điểm, nhiều lối nói người phương Đông dễ hiểu, để thông cảm hơn người phương Tây. Dù sao, ta là người Đông Á, còn Thánh Kinh lại mang sắc thái Tây Á, thành ra cái giống nhau và cái khác nhau đan xen. Trong lịch sử, Đạo lại đi một vòng dài qua phương Tây rồi mới sang Á Đông. Bao nhiêu giai đoạn là bấy nhiêu tầng ngôn ngữ và văn hóa. Là một Đức Tin phổ quát mà biết bao nhiêu bộ mặt biến hóa.


Với cái di sản vô giá và đồ sộ ấy, khi ta cố gắng nói lên Đức Tin tinh tuyền, thì thường có một hơi hướng Tây Tây thế nào đó. Cái ngữ văn, ngữ điệu ấy, hình như chưa đích thực là ta hoàn toàn. Ta có phần nào giống như cô gái quê của Nguyễn Bính:


"Hôm qua em lên tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều".


Dĩ nhiên, không thể dựa vào cái cảm giác "lỏng chỏng" để đối lập thời ta với thời "đầy ga-la-ti-a" và "Đền vàng quỳ trước dâng hoa" coi như thời xưa là một tổng hợp hoàn hảo, còn thời nay là một sự bát nháo. Làm sao có thể quên rằng trong lịch sử truyền giáo ở Trung Quốc cũng như ở ta, đã có những có cuộc tranh cãi kịch liệt về từ ngữ và về đường lối mục vụ giữa các Thừa Sai với nhau. Những công thức kinh kệ cũng là những gì chắt lọc được từ những tranh cãi sôi nổi ấy.


Cuộc sống là một chuỗi những diễn biến biện chứng với những khía cạnh mâu thuẫn rốt cuộc rồi cũng đạt được một tổng hợp quân bình nào đó trong một thời gian, trước khi những thúc bách tiến bước tạo ra những mâu thuẫn mới để lại rồi cần thời gian mới để tìm ra một tổng hợp quân bình mới. Biết đâu khi bà tôi bình an với "Ma-ri-a đầy ga-la-ti-a" vì được "Chúa Dêu ở cùng" là một thời gian quân bình như thế, và những tranh cãi của chúng ta bây giờ là một giai đoạn mâu thuẫn để đi tìm một quân bình mới ?


Sau khi xuất hiện nhiều ý kiến nặng nhẹ về bản dịch Phụng Vụ mới, thấy có một vài bài giải thích về chủ ý cũng như cách làm việc của Ủy Ban Phụng Tự. Theo những người thông thạo tin tức cho biết thì ý các Đấng hữu trách là sau những giải thích ấy sẽ không trả lời ai nữa. Tôi trộm hiểu rằng các Đấng đã giải thích rồi có nghĩa là việc đã quyết định, không nói tới nói lui gì nữa, cứ thế thi hành thôi. Còn không trả lời ai nữa thì có nghĩa là các vấn đề nêu lên vẫn còn nguyên trạng đấy. Và như thế ta gặp lại cái tương quan biện chứng giữa sự dừng bước và sự tiến bước. Tiến là để tìm tới một điểm dừng, và dừng là để lộ ra những bức xúc khiến cho phải tiến nữa. Nói theo kiểu Thánh Kinh, có một thời để dừng và một thời để tiến...


Những trăn trở chung quanh một bản dịch xét cho cùng cũng nói lên cái ước ao được hòa hợp giữa ý với tình. Cả ý lẫn tình vốn không đứng yên một chỗ, vẫn tiến hóa mà lại phải hòa quyện với nhau; không thế thì con người như bị xẻ chia rất tội nghiệp. Từ thời ca vãn dâng hoa đến nay, ý với tình đều đã trôi nổi, đã kinh qua lắm đoạn nhiều đường; người ngày nay cũng có nhu cầu nói được những tình ý của mình. Một khi đã đón nhận Đức Tin, đã được Đức Tin cảm hóa, thì Tin sinh ra Tình.


Khi nói Đức Tin, nhất là khi cầu nguyện, khi cử hành Phụng Vụ, mà phần tâm, phần tình lại bị dồn nén, ức chế, thì ng ta có cảm tưởng như đang ăn, đang nói mà trong miệng lại cứ trệu trạo sỏi sạn. ý với tình hòa quyện được với nhau sẽ tạo ra vẻ đẹp, và Phụng Vụ là lời cầu nguyện chính thống của Hội Thánh, không thể không đẹp, không thể trái thẩm mỹ.


Ở Châu Âu hiện nay nhiều vị hữu trách về mục vụ cho rằng nét đẹp, ấn tượng thẩm mỹ chính là nhân tố đánh thức Lòng Tin nơi người đương thời. Ai cũng biết Châu Âu, đặc biệt là Tây Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng tâm linh, một giai đoạn khó khăn về tôn giáo. Nhà Thờ vắng người, xã hội sống lập pháp, vui chơi, hưởng thụ mà chẳng cần biết Đức Tin dạy gì, Giáo Hội nghĩ sao; tệ hơn nữa, có khi Đạo và Giáo Hội còn bị cái xã hội loạn xà ngầu ấy gán cho là lạc hậu, là phản tiến hóa, là đầu mối của lắm nỗi oan khiên. Trong một xã hội như thế, mà vẻ đẹp của Kinh Nguyện và Phụng Vụ lại có tác động thức tỉnh Lòng Tin, thì đủ thấy cái đẹp ấy không phải chỉ là mầu mè bề ngoài, nhưng nó gắn liền với cõi thâm tâm, nó là sự sống thăng hoa.


Việt Nam ta nhờ ơn Chúa thương vẫn còn là một lối sinh hoạt Đạo có tính đại chúng, chắc chắn sinh ơn huệ cho rất nhiều tâm hồn. Nhưng có thể lo âu tự hỏi phải chăng cái tính đại chúng ấy có lúc lấn át, đánh giá thấp, hay là vô tâm đối với lãnh vực thẩm mỹ ? Chẳng lẽ phải đợi đến khi khủng hoảng như bên Tây rồi mới đi tìm cái đẹp ?


Nhớ lại những lần ngồi nghe cha giáo Micae Nguyễn Hữu Phú giảng về Phụng Vụ. Cha say sưa đọc liên tiếp mấy chục kinh Phụng Vụ Tạ Ơn của Giáo Phụ ngày xưa, hết vị này đến vị khác. Lũ học trò ngơ ngác hỏi thầm nhau: "Sao cha đọc nhiều thế !" Về sau, quen với lối suy nghiệm và những phút bốc lửa của cha, lũ học trò mới ngộ ra rằng đối với cha, mỗi câu, mỗi chữ trong những Kinh Nguyện Tạ Ơn ấy đều nặng trĩu những mầu mỡ của Lòng Tin, đều nặng trĩu hồng ân, nặng trĩu linh hồn. Cha đã đi vào hiệp thông với những Giáo Phụ thời cổ, chia sẻ với các ngài những vầng trời cao sáng vời vợi vô biên.


Ngược dòng thời gian mà tìm thấy kho báu đó thì lại muốn đưa về chia sẻ với đồng đạo ngày nay. Linh Mục nho sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, một người đã trả giá đắt để tìm thấy chất men Tin Mừng trong một chuyến bay trên bầu trời Đông Á để đi phó hội quốc tế, đã tức cảnh sinh tình viết bài thơ:


"Thái Bình Dương thượng, Thái Bình Thiên
Viễn thuỷ trường không, nhất sắc tiên...
...
Không gian đảo dữ thời gian chuyển,
Kinh tuyến thiên đồng, vĩ tuyến thuyên..."


Tôi xin mạn phép hiểu chệch ý kiến tác giả một chút, vì lời thơ quá sắc nét. Ngày xưa các Giáo Phụ chung quanh vùng phía đông Địa Trung Hải cầm bánh rượu ngước mắt lên trời mà thấy Đức Tin dậy men trong lòng mình bật ra lời kinh tạ ơn. Làm thế nào để chất men ấy cũng dậy lên trong lòng những người Việt trên bờ Thái Bình dương khi ngước mắt nhìn lên "Thái Bình Thiên". Xứ sở này là một cõi "viễn thuỷ trường không" so với ngôn ngữ các Giáo Phụ. Cả "không gian và thời gian, kinh tuyến và vĩ tuyến" đều đã đổi thay, vậy mà vẫn là một Đức Tin duy nhất, như cha Thích viết trong câu kết:


"Phùng nghinh quốc tế hữu kỳ duyên".


Một lần tôi đưa ông bạn, người một nước ven bờ Địa Trung Hải đi dọc một quốc lộ Việt Nam. Sáng sớm Chúa Nhật, cứ vài khúc lại gặp một đoàn người cùng nhau bước đi bên đường. Thế là biết đâu đó có một Xứ Đạo, một Nhà Thờ, và Dân Chúa đi dự Thánh Lễ hoặc dự Thánh Lễ về, cứ vài khúc đường lại gặp những cây cầu, những dòng sông cuồn cuộn, những ruộng, những đồng. Và anh bạn Địa Trung Hải kêu: "Que d'eau ! Que d'eau !" – xứ sở này chứa chan nguồn nước. Tôi hiểu rằng vùng ven Địa Trung Hải của anh khô khan hơn, cỏ cây và con người khác ở đây.


Và tôi thầm ước niềm tin chung của chúng tôi vào Chúa Kitô hy sinh thân mình vì con người và đổ máu mình để lập giao ước mới, khi nẩy nở ở đây cũng hòa vào tâm hồn của những con người được nhào nặn bên ruộng lúa hay trên sông nước, bên lũy tre bụi chuối, bên những rừng tràm rừng đước, và những tán rừng nhiệt đới, và với một lịch sử như ta đã biết....


Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT
Hà Nội - Sàigòn 29.7.2006

Công bố danh sách tiến chức Phó tế DCCT



VRNs (28.07.2010) – Sài Gòn – Sáng ngày thứ ba 27 tháng 7 năm 2010, tại trụ sở Tỉnh Dòng Việt Nam, Hội Đồng Quản Trị Tỉnh đã nhóm họp phiên họp hằng tháng của tháng 7. Cùng với việc thông tin trong tháng, giải quyết các vấn đề nảy sinh, bàn các biện pháp thực thi các kế hoạch, Hội Đồng Quản Trị đã lắng nghe báo cáo của Ban Giám Đốc Học viện DCCT về danh sách các tu sĩ ứng sinh chức Phó tế. Cuối phiên họp, Hội Đồng Quản Trị Tỉnh đã bỏ phiếu chấp thuận 6/6 ứng sinh được tuyển chọn vào danh sách tiến chức Phó tế.



Danh sách như sau :



1. Giuse Lê Khánh Huyền


2. Giuse Nguyễn Văn Tĩnh


3. Phaolô K'Nhoang


4. Vinhsơn Trần Trí Tuệ


5. Giuse Nguyễn Quốc Toản


6. Anphong Trần Ngọc Hướng



Được biết các tu sĩ này đã hoàn tất chương trình Triết và Thần học theo kế hoạch đào tạo, có hạnh kiểm tốt, bén nhạy với tinh thần DCCT, sẵn sàng dấn thân trong sứ vụ và thích hợp đời sống cộng đoàn.



Đặc biệt trong khóa này, lần đầu tiên Tỉnh Dòng có một tiến chức người dân tộc Mạ, thầy K'Nhoang. Luận văn tốt nghiệp của thầy lấy đề tài "Những giá trị đức tin Kitô giáo tiềm ẩn trong một vài phong tục của người Mạ" được đánh giá là xuất sắc. Theo tinh thần ưu tiên mục vụ của Tỉnh Dòng, loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, đặc biệt là người dân tộc là ưu tiên hàng đầu của mục vụ. Tỉnh Dòng hy vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới trong việc đào tạo giáo sĩ người dân tộc dấn thân cho dân tộc mình.



Dự kiến Thánh lễ truyền chức sẽ cử hành vào ngày 28 tháng 8 năm 2010 tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon, 38 Kỳ Đồng, Quận 3.



Sáng nay, thứ tư, ngày 28 tháng 7 năm 2010, tại nhà nguyện Cộng đoàn DCCT Saigon, lúc 5g30 sáng, Cha Bề trên Giám Tỉnh đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn, công bố danh sách tiến chức Phó tế và khai mạc tháng chuẩn bị cho các tiến chức.



Xin cầu nguyện cho Tỉnh Dòng, cho các tiến chức luôn trung thành với ơn gọi mang "Ơn cứu chuộc chứa chan" đến cho mọi người.


CTV. CSsR.






Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

"KHÔNG TAY, KHÔNG CHÂN, KHÔNG LO LẮNG !"

Tâm hồn tôi thật bình an khi biết rằng Thiên Chúa không để cho bất kỳ sự gì xảy ra trong đời sống chúng ta mà Người không có một chủ ý tốt lành cho nó.



Tôi tên là Nick Vujicic. Tôi ca ngợi Chúa vì Người đã làm cho chứng tá của tôi chạm đến hàng ngàn tâm hồn trên khắp thế giới ! Từ lúc chào đời tôi đã không có tay chân. Các bác sĩ bó tay trước ca đẻ "thiếu sót" này. Bạn thử nghĩ mà xem, tôi gặp bao nhiêu là khó khăn thử thách.


"Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui, khi gặp thử thách trăm chiều".


... Bao nhiêu là thương tổn, đớn đau và thử thách phải chăng là chan chứa niềm vui ? Cha mẹ tôi là tín hữu Kitô, thậm chí cha tôi là mục sư, họ thuộc lòng Kinh Thánh, vậy mà, vào buổi sáng ngày 4 tháng 12 năm 1982, họ chỉ thốt lên được hai tiếng "Chúa ơi !" Đứa con trai đầu lòng sinh ra không có tay, không có chân ! Hoàn toàn bất ngờ. Các bác sĩ bị sốc không nói được lời nào. Chẳng có giải thích y khoa nào cho sự việc. Bây giờ tôi vẫn có em trai và em gái lành lặn bình thường như mọi người khác.



Cả Nhà Thờ thấy thương cho số phận của tôi. Cha mẹ tôi hoàn toàn sụp đổ. Mọi người hỏi: "Nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu thì tại sao lại để sự việc tệ hại này xảy đến cho dân Chúa ?" Cha tôi nghĩ tôi chẳng sống được bao lâu nhưng các xét nghiệm cho thấy tôi là một hài nhi khoẻ mạnh, chỉ thiếu chân tay.




Cũng dễ hiểu rằng cha mẹ tôi đã phải lưu tâm và lo lắng đến thế nào cho cuộc sống mà tôi sẽ phải trải qua. Thiên Chúa ban cho họ sức mạnh, khôn ngoan và can đảm vượt qua những năm đầu. Rồi chẳng bao lâu thì cũng đến lúc tôi đủ tuổi đến trường.


Luật pháp của Úc không cho phép tôi học trong các trường bình thường như những đứa trẻ khác, vì tôi tàn tật. Thiên Chúa đã làm điều kỳ diệu để cho mẹ tôi đấu tranh đòi sửa đổi luật lệ. Và tôi là học sinh tàn tật đầu tiên được học ở một trường bình thường như mọi trẻ em khác.


Tôi thích đi học và cố gắng sống giống như mọi người, nhưng những năm đầu tiên ở trường tôi bị bỏ rơi, kỳ thị, trêu chọc vì không giống ai. Thật quá khó để trở nên bình thường. Nhưng được cha mẹ khích lệ, để vượt qua thử thách, tôi bắt đầu chú tâm đến những giá trị thực sự của một con người. Tôi biết mình khác mọi người ở hình dáng bên ngoài nhưng bên trong chẳng có gì khác.



Lắm khi tôi suy sụp khi bị bỏ rơi nơi trường học. Cha mẹ tôi khuyên tôi làm ngơ đi và lân la làm bạn với vài học sinh khác. Chẳng bao lâu đám học trò nhận ra rằng tôi cũng như chúng. Chúa đã chúc lành cho tình bạn của chúng tôi.



Có những khi tôi suy nhược, tức giận vì không thể đổi thay số phận và chửi rủa bất kỳ ai đụng đến nỗi đau của tôi. Tôi đến lớp Giáo Lý vào Chúa Nhật và được dạy rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả và hằng chăm sóc chúng ta. Tôi hiểu tình thương theo quan niệm của một đứa trẻ và không hiểu tại sao Thiên Chúa yêu tôi mà lại tạo ra tôi thế này.




Tôi đã làm điều gì sai ? Có lẽ tôi làm gì sai thật, nên tôi tàn tật, khác với các học sinh ở trường. Tôi thấy mình là gánh nặng cho người chung quanh và tốt nhất là nên biến đi. Tôi muốn thoát khỏi tủi nhục, muốn chết luôn khi còn bé cho rồi. Nhưng một lần nữa, tôi phải cảm ơn cha mẹ và gia đình đã luôn luôn an ủi động viên tôi.


Những tâm tư tình cảm tôi đã kinh qua: bị trêu chọc, tự ái và cô đơn, Thiên Chúa đã biến chúng thành thương khó mang lại niềm vui. Tôi chia sẻ kinh nghiệm và chuyện đời mình cho những ai đang phải đương đầu với thử thách trong cuộc sống và xin hãy để Thiên Chúa biến nó nên sự lành. Tôi khuyến khích và chuyển lửa để họ sống hết mình, đừng để bất cứ điều gì ngăn chặn ước mơ và hy vọng.


Một trong những bài học đầu tiên mà tôi học được, đó là mọi sự đều là ân huệ. "Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người".


Câu Lời Chúa này chạm đến tâm hồn và đánh thức tôi, khiến tôi thấy rằng chẳng có chi là may mắn, cơ hội hay ngẫu nhiên, chẳng có chi là "xui xẻo" xảy ra trong đời sống chúng ta. Tâm hồn tôi thật bình an khi biết rằng Thiên Chúa không để cho bất kỳ sự gì xảy ra trong đời sống chúng ta mà Người không có một chủ ý tốt lành cho nó.



Tôi phó thác đời mình cho Chúa Kitô lúc 15 tuổi sau khi đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 9. Đức Giêsu bảo rằng lý do mà người mới sinh đã bị mù là "để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh". Tôi thực sự tin rằng Chúa đã chữa lành tôi để tôi trở nên chứng nhân tỏ tường cho quyền năng vô cùng của Người.



Sau này, tôi được ơn khôn ngoan để hiểu rằng nếu chúng ta cầu nguyện và nếu Thiên Chúa muốn thì chúng ta được nhậm lời, còn nếu Thiên Chúa không muốn, tôi biết rằng Người có cái gì khác tốt hơn.


Bây giờ thì tôi thấy rằng Thiên Chúa đang dùng tôi để mạc khải vinh quang của Người theo cách mà người khác không có.



Năm nay tôi 23 tuổi, có bằng Bachelor of Commerce. Mỗi khi có dịp, tôi cũng đi đó đây diễn thuyết, làm chứng và chia sẻ chuyện đời mình. Tôi tổ chức các buổi nói chuyện để làm quen và khích lệ học sinh tuổi teen qua các chủ đề liên quan đến những thử thách hiện nay họ đang gặp. Tôi cũng nói chuyện với các hội đoàn nữa. Tôi thích đến với những bạn trẻ và cố giữ cho mình luôn sẵn sàng làm theo ý Thiên Chúa. Người dẫn, tôi theo.




Tôi có nhiều ước mơ và mục tiêu để hoàn thành trong cuộc sống. Tôi muốn trở nên nhân chứng trung thành cho Hy Vọng và Tình Yêu Thiên Chúa, trở thành một nhà diễn thuyết quốc tế và được sử dụng như một nhịp cầu cho người Kitô và không Kitô đến với nhau.



Tôi muốn ra riêng ở tuổi 25 nhờ kinh doanh bất động sản, muốn cải tiến cái xe hơi sao cho tôi có thể lái được và muốn được chia sẻ chuyện đời mình trên "Oprah Winfrey Show" ! Tôi cũng mơ viết được nhiều sách bán chạy và hy vọng hoàn thành cuốn đầu tiên có tựa đề "Không tay, không chân, không lo lắng !" ( No Arms, No Legs, No Worries ! ) vào cuối năm.



Tôi tin rằng nếu bạn ước mơ và ưa thích làm việc gì, và nếu đó là ý Thiên Chúa thì bạn sẽ đạt được đúng lúc. Chẳng có lý do gì khiến chúng ta cứ phải liên tục đặt giới hạn cho mình. Như thế là đặt giới hạn cho Thiên Chúa, Đấng có thể làm mọi sự. Chúng ta đóng Thiên Chúa vào thùng !



Quyền năng Thiên Chúa thật tuyệt vời, khi chúng ta muốn làm gì cho Thiên Chúa, thay vì chú tâm vào khả năng của mình và tập trung vào những cái chúng ta có thì hãy nhớ rằng Thiên Chúa làm qua chúng ta và không có Người chúng ta không thể làm gì được.


Khi chúng ta làm việc tông đồ, thì ta cậy vào khả năng của ta hay quyền năng Thiên Chúa ?


Xin Chúa chúc lành cho Bạn. Trong Chúa Kitô...













NICK VUJICIC,
Bản dịch của Lm. NGUYỄN MINH ĐỨC, DCCT,
từ http://www.lifewithoutlimbs.org/


Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Kinh Lạy Cha (Lc 11,1-13)




VRNs (25.07.2010) - Sài Gòn - Hôm nay, Tin Mừng ngày Chúa Nhật thứ 17 mùa Thường niên C, thánh Luca thuật lại cho chúng ta khung cảnh và lời dạy của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện.



Kinh Lạy Cha là một lời kinh quen thuộc và thiết thân với từng người Kitô hữu, lợi ích từ lời cầu nguyện là một tất nhiên của đời sống đức tin. Tuy nhiên cái hồn của lời nguyện cầu mới là điều cần cho chúng ta suy ngẫm.



Cha-con



Cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng ta được tham dự vào gia đình của Thiên Chúa bằng cách được nhận Thiên Chúa là Cha của mình, được đối xử như một người con và được thừa hưởng gia tài không hề hư nát của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu kéo chúng ta vào trong mối tương quan thân mật này, tương quan cha-con, và bởi trong mối tương quan này, chúng ta được dâng lời cầu nguyện. Đây là tinh thần nền tảng của lời kinh Lạy Cha. Không vào trong mối tình cha-con, không thể cất lời cầu nguyện được, đứng ngoài mối tương quan này thì lời kinh chỉ là tiếng kệ trống rỗng.



Mối bận tâm



Khi ra trước mặt Chúa, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường bận tâm điều gì nhất, điều gì dành ưu tiên trong suy nghĩ và ước vọng của chúng ta? Điều gì chiếm thời gian và năng lực của chúng ta nhất?



Là một người con trong gia đình, điều gì làm cho ta lo lắng và trăn trở nhất, chuyện làm ăn của mình, chuyện học hành của mình, chuyện tình cảm của mình, chuyện…. của mình hay chuyện của cha mẹ? sức khỏe của cha mẹ, hoàn cảnh của cha mẹ, công việc của cha mẹ, mối bận tâm của cha mẹ,…? Đâu là tiêu chuẩn đánh giá tình cảm của con dành cho cha mẹ?



Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho (Mt, 6, 33)



Chúa Giêsu dẫn chúng ta vào trong mối tương quan cha-con, Chúa Giêsu truyền cho chúng ta tâm tình hiếu thảo chân thật của một người con đối với cha mẹ. Những lời ước nguyện về triều đại, danh tánh và ý muốn của cha mình chiếm trọn tâm hồn Ngài, ưu tiên trong suy nghĩ của Ngài, bận tâm nhất trong mọi hoạt động của Ngài (phần 1 của kinh).



Những lo lắng nhẹ nhàng đầy phó thác về cuộc đời của mình là lời nguyện cầu kế tiếp, sau khi đã dành trọn tâm trí cho sự nghiệp của Thiên Chúa Cha. Biết đói, biết sợ, biết lo âu, nhưng vẫn tin rằng Cha là tất cả cho mình trong niềm tin quan phòng yêu thương (phần 2 của kinh).



Hằng ngày chúng ta đọc kinh Lạy Cha theo tâm tình nào?




Lm. Vinhsơn Phạm Trung Thành, dcct.

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Im lặng đêm Hà Nội...




"Chỉ còn, mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ, đêm cuối thu, trăng lạnh mờ sương...Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya, không gian dạ hương sâu thẳm...từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về..."
Ngồi trong bóng đêm đổ dài trên từng con ngõ, ánh đèn đã tắt nơi mỗi căn hộ, tôi hướng về phía có ánh đèn đường leo lét... Leo lét vì nó xa quá, ánh sáng không đủ sức len vào từng con đường nơi ngõ ngỏ nơi bóng đêm đổ dài...

IM LẶNG... tôi cũng đi tìm cái IM LẶNG nơi mình...

Tôi biết câu hát kia chẳng hợp trong lúc này...Đêm của tôi chẳng phải đêm cuối thu, trăng không đủ để lạnh hay đúng hơn , mây đã che hết ánh trăng nên chẳng còn biết có một ánh trăng lạnh..Đêm của tôi đang là đêm hè...nếu có trăng cũng là bóng trăng mát...Trăng mát và im lặng phố khuya...Chỉ có phố khuya và đêm Hà Nội là của tôi...vậy nhưng tôi vẫn khẽ hát câu hát đó...Đêm có còn IM LẶNG?

Tôi bước xuống đi dọc con đường dẫn ra đê...Con đường tối tới nỗi chẳng nhận rõ từng căn nhà quen thuộc...Chỉ bước trong cái nhập nhoạng, loang loáng cảm giác thân quen của từng ngày đi đi về về...Càng gần đường lớn lại càng nhiều âm thanh, tiếng động...Tiếng xe đêm, tiếng lạch cạch dọn dẹp đồ đạc của người bán quán dọn hàng về muộn, tiếng ve , tiếng dế, cả tiếng côn trùng vo ve...Tôi cứ bước đi trong hỗn độn những thanh âm ấy.. và cả Đêm nữa..nhưng vẫn là Im lặng...Có cảm được gì không?

Im Lặng Đêm Hà Nội tưởng chừng chỉ thấy trong những bài hát, những ca từ bay bổng và lãng mạn giàu cảm xúc... Và tưởng chừng nhắc tới Im lặng ấy nơi những con đường cổ kính, hay góc phố rêu phong...Hà Nội về đêm thường rất đẹp! Không ồn ào và xô bồ! Đẹp lộng lẫy mà không kiêu sa! Cái đẹp nồng nàn của những ánh đèn đường điểm trang...Chẳng còn là hiu hắt mà giờ là nồng nàn...Hà Nội đêm chẳng những đẹp ở những con phố như Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng...những con phố ấy giờ về đêm lúc nào cũng người và xe...chẳng còn Im Lặng Đêm Hà Nội...

Về với con phố của tôi đang đi đêm nay... Tiếng xe lao vút trên đường..Qua đó, rồi lại trả lại Im lặng...Tôi vẫn đi dọc con đường ấy...Hít hà những hương vị của đêm, thả những bước chân thanh thản trên con đường thênh thang trong thinh lặng. Chẳng còn những lo nghĩ vẩn vơ, chẳng con những tương quan hợt hời nhạt nhẽo, chẳng còn những gương mặt thân quen cũng như xa lạ... Thấm phần nào được cái cô đơn! Cô đơn đến bình yên...Tôi nhớ tới một bài thơ ngắn:

"Bình yên lòng đâu chỉ có niềm vui.
Mà đôi lúc là ngậm ngùi khắc khoải
Nếu bình minh đến trong hồn ta mãi
Phố có còn có là phố phải không?

Bình yên lòng có thể có mưa giông
Dù êm ấm nắng hồng mong mỏi lắm
Vẫn biết là trong tầng không ảm đạm
Phố như người, buồn lắm! Vẫn đi qua

Bình yên lòng đâu phải cứ có hoa
Là chắc chắn mượt mà trong cảm xúc
Bình yên lòng trong nỗi niềm rất thực
Không gượng cười, không ra sức bọc che

Bình yên lòng, bình yên cho ta nghe
Cho con phố nhận về đêm vắng vẻ
Bình yên lòng, chỉ bình yên một lẽ
Ta là MÌNH, không là kẻ khác đâu!"

Cái Im lặng cho tôi thấm nhiều điều, được thoả thích vẫy vùng trong những cảm xúc thật, được tự do yêu thương và nhung nhớ, được là Mình, là người yêu người, là yêu đời vì đời THẬT, đời vui...

Nhưng đời THẬT là đời nhiều đau khổ! Có bình yên mãi cũng chẳng trọn chữ ĐỜI...Tôi chỉ chiếm màn đêm cho riêng mình để được sống cho mình, còn lại là sống cho ĐỜI. Đêm yên lặng cho tôi mộng thật mà lại thật đến hư ảo...Khẽ cười vì thấy lòng nhẹ tênh...Vẫn cứ bước trên đường thênh thang với bóng đêm và ánh đèn đổ dài.. Hà Nội vẫn buồn! Đêm vẫn dài! Nhưng đẹp! Cái đẹp mà chỉ có những kẻ đang yêu mới thấy. Cái đẹp không phô trương cho nhiều người thấy mà chỉ những người đang yêu mới thấy...Có biết yêu mới biết cảm nhận...Yêu nhau và yêu người...

Im lặng của đêm tôi đang bước đi có còn đau khổ? có còn ĐỜI? vẫn còn nhưng yên ả hơn...ĐỜI trong ĐÊM thật hiền! Do tôi may mắn thấy thế hay vì tôi đang đi trên con đường đủ Im lặng để bình an? Cũng có thể ĐỜI đang chìm vào giấc ngủ đêm ngắn ngủi...Vài tiếng nữa thôi lại bon chen, lại mưu sinh, lại xô bồ, lại toan tính...Về lại ĐỜI thổn thức trong đêm...rồi dần dà chìm vào trong giấc ngủ sâu mà ngắn ngủi...
Lặng yên! Khe khẽ thôi cho ĐỜI ngơi nghỉ...Cuộc đời dài lắm! Dài và mệt mỏi, nhưng có mấy lúc nghỉ ngơi???

Thôi! Lặng đi cho tất cả bình yên...Tôi bước về với con đường quen, với những căn nhà đang say ngủ...Tất cả đã chìm vào giấc ngủ rồi! Riêng tôi! Ít ra là giờ này riêng tôi...hay là còn đâu đó! nơi nào đó! gần hay xa tôi còn đang trằn trọc bởi những thanh âm riêng..Những thanh âm dù to hay nhỏ đều là những thanh âm của Đêm, vì nó thuộc về Đêm...

Bước chân không còn thanh thản vì nó đang bước về phía ĐỜI sẽ thức dậy. Bước càng nhiều, càng đi được xa, nhưng càng về lại ĐỜI gần. Về lại để sống cùng vởi đủ mọi cung bậc cảm xúc trong ĐỜI THƯỜNG...Chẳng biết là Có hay Không cái Cảm xúc đời thường ấy, nhưng cứ mường tượng là CÓ cho lòng thêm hy vọng và tin yêu...

"Chỉ còn em, còn em...im lặng đến tê người..."

Yêu trong tình Chúa



1/ Một bông hoa trắng trong vườn yêu Adam nhẹ nâng. Một bông hoa thắm Eva ngắt dâng cho người yêu. Chúa đã kết liên con nguyện ước không khi phân lìa. Tình yêu một đời sẽ thắm nồng và mãi trung trinh.

ĐK: Đây bông hồng tình yêu Chúa chúc phúc duyên tình thắm nồng. Dẫu trong bể dâu Chúa chúc lành tình mãi kiên trung. Yêu nhau trong Chúa trong tình mến yêu muôn người thiết tha. Dù năm tháng phai nhòa cùng Chúa đi tình vẫn nồng.

2/ Làm sao vui mãi như ngày hôm nay trong tiệc mừng. Làm sao tươi mãi như ngày cưới hoa thơm rượu hồng. Lúc nắng khi mưa ân tình cũng trôi theo dòng đời. Chỉ biết trông cậy Chúa chính nguồn tình ái vững bền.

3/ Dù khi gian khó đôi lòng sẽ không hề đổi thay. Dù khi lo lắng khi hạnh phúc vui bên đàn con. Thánh lễ hôm nay câu thề hứa vẫn luôn sống động. Được yêu một lần cũng sẵn lòng chịu những hy sinh.

4/ Tình yêu Thiên Chúa trong tiệc thánh xin ở cùng con. Nguyện xin liên kết trong mình máu Chúa một lòng son. Có Chúa yêu thương gia đình sẽ ấm êm trăm chiều. Điểm thắm cuộc đời xây nước trời bằng chính yêu thuong..

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

TIN HOẶC KHÔNG TIN ( LỄ CHÚA CỨU THẾ )



Chúa Nhật 16 Thường Niên, ngày 18.7.2010 này, Dòng Chúa Cứu Thế mừng kính trọng thể Lễ Chúa Cứu Thế. Kính mời quý độc giả cùng hiệp thông với anh em DCCT, suy niệm bài Tin Mừng Ga 3, 13 - 21...

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Gioan ( Ga 3, 13 – 21 ):

"Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng ông Nicôđêmô rằng: "Không ai đã lên Trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ Trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa".

Dựa vào mạch ý bài Tin Mừng, xin được tách làm bốn phần chia sẻ, hai phần đầu đối lập nhau giữa thái độ tin và không tin, giữa chọn lựa Ánh Sáng và Bóng Tối; hai phần sau cũng đối lập nhau khi đề cập đến thái độ chưa tin nhưng rồi sẽ tin, và ngược lại, tin mà lại chưa thật sự tin, cứ lập lờ nước đôi giữa Ánh Sáng và Bóng Tối.

Đó là 4 thái độ, 4 chọn lựa khác nhau của người đời, của cả chúng ta nữa khi đối diện với một Đấng "từ Trời xuống", đã được "giương cao lên" và đã "lại lên Trời", Đấng ấy là chính Con Một của Thiên Chúa, đã tự nguyện làm người, chịu đóng đinh, bị giết chết thê thảm nhưng đã sống lại trong vinh quang.

Đây là một biến cố lịch sử có thật, đã xảy ra, không ai có thể phủ nhận và dửng dưng chối bỏ được. Và người ta bị đặt trước một chọn lựa, buộc phải có một thái độ nào đó, tắt một lời, hoặc tin hoặc không tin !

1. TIN – SỐNG TRONG ÁNH SÁNG

Trong câu chuyện ban đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, Ngài nhắc lại sự kiện trong Cựu Ước ông Môsê đã cho đúc một con rắn bằng đồng giương cao trên đỉnh một cây cột trồng giữa hoang mạc. Những người bị rắn độc cắn cứ ngước mắt nhìn lên tượng rắn đồng thì được cứu khỏi chết ( Ds 21, 4 – 9 ). Ngài đã nói về chính mình ở ngôi thứ ba với danh xưng long trọng "Con Người" cùng với sứ mạng cứu độ trần gian của Ngài. Sứ mạng này bắt nguồn từ Tình Yêu của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại. Ngài bảo: "Thiên Chúa Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời".

Vậy điều kiện duy nhất để được cứu, được thoát chết là tin vào chính Đức Giêsu, một Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá trồng trên một ngọn đồi cao, y như con rắn đồng ngày xưa trong hoang mạc.

Kỳ lạ thật, ai lại đi chọn một hình tượng ghê sợ như thế, một hình tượng chết chóc kinh hoàng như thế để bảo đảm cho một sự sống ? Có ngược đời không ? Thưa không ! Bởi Đức Giêsu đã chịu chết thật sự trên thập giá đấy, nhưng rồi Ngài đã thật sự phục sinh, khải hoàn vinh quang, nghĩa là ngang qua thập giá, ngài đã chiến thắng sự chết.

Hồi còn ở Học Viện Liên Dòng, chúng tôi có nghe một cha giáo dạy môn Luân Lý, kể chuyện một người vô thần đến chơi nhà một người bạn thân Công Giáo, ông ta nhìn lên tượng thập giá treo trên tường rồi mỉa mai: "Sao ông lại đi thờ một cái xác chết treo như thế ? Đã chết rồi thì còn làm được gì nữa cơ chứ ?!?" Người bạn Công Giáo mỉm cười trả lời: "Vâng, đúng là Chúa Giêsu của chúng tôi đã chết thật sự rồi, nhưng ông không biết hoặc ông biết mà ông không tin đấy thôi, Ngài cũng đã sống lại thật sự rồi. Tôi không thể giải thích sao cho ông hiểu, nhưng phần tôi, tôi tin, thế là đủ rồi !"

Vâng, đúng là chỉ cần tin vào Đức Giêsu chết và sống lại là đã đủ điều kiện để chúng ta được sống muôn đời. Tin như thế mới là tin, chứ nếu còn chứng minh, còn dùng lập luận lý lẽ và thông số khoa học mà chứng minh được rồi mới tin thì lại chẳng còn gọi là tin nữa !

2. KHÔNG TIN – Ở LẠI TRONG BÓNG TỐI

Chúa Giêsu lại khẳng định thêm: "Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa".

Thật ra Chúa Giêsu rộng lượng bao dung, Ngài chẳng hề lên án kết tội ai. Nhưng khi con người ta đã có cơ hội được nghe nói về Chúa, đã chứng kiến quyền năng Chúa tỏ hiện, mà lại vẫn cứ khăng khăng không chịu tin, không chấp nhận Chúa, không để cho Chúa đi vào cuộc đời mình, dứt khoát không tuân theo những chỉ dạy hướng dẫn của Chúa, thậm chí ngoan cố chống lại Thánh Ý yêu thương của Chúa, tìm cách tiêu diệt loại trừ Chúa, bách hại cả những ai tin theo Chúa. Và như thế kẻ không tin cũng đồng thời khước từ con đường sống, con đường giải thoát cho chính mình, nghĩa là tự chọn lấy con đường chết, tự kết án chết cho chính mình.

Mà một khi đã không đi theo con đường sống chân thiện mỹ của Chúa, những người này chỉ còn biết tìm bóng tối như một đồng lõa để "làm điều ác", để "làm điều xấu xa". Họ "chuộng bóng tối hơn ánh sáng" vì bóng tối che giấu cho những việc mờ ám độc dữ họ đã, đang và sẽ làm. Họ căm ghét ánh sáng cũng phải, bởi ánh sáng của sự thật làm lộ ra tâm địa gian ngoa lường gạt dối trá của họ. Hơn nữa, bóng tối đem lại cho họ bao nhiêu quyền lợi và quyền lực, họ không thể rời bỏ bóng tối, họ luyến tiếc bóng tối, họ ở lì lại mãi trong bóng tối của sự chết nên làm sao mà đến cùng ánh sáng của sự sống được ? Họ vẫn còn đang sống mà như đã chết mất rồi.

Chúng tôi còn nhớ một cha trong DCCT có kể lại, một lần ngài được mời đến thăm một người hấp hối. Con cháu của cụ già ấy rất muốn người thân mình quay trở về với Chúa sau gần cả cuộc đời bỏ Đạo, chống lại Giáo Hội và căm ghét Chúa. Thế nhưng mặc cho Linh Mục trò chuyện khuyên nhủ, cụ già ấy dứt khoát quay lưng lại, chỉ nhìn vào bức tường, cho đến khi co giật run rẩy thở hơi cuối cùng, tay vẫn cứ khư khư ôm một lon Guigoz đầy những cây vàng đã thu vén cả đời bằng những việc bất chính !

Thiên Chúa nhân ái và Giáo Hội nhẫn nại đã cố làm mọi cách nhưng trong không ít trường hợp vẫn phải chịu thua trước những con người hoàn toàn tự do quyết định không tin là không tin ! Và chúng ta hiểu đó là quyền lực của Sự Dữ, của Bóng Tối... Rất may và thật đáng vui mừng, hầu hết các trường hợp khác, quyền năng do lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn chiến thắng, Bóng Tối đã bị đẩy lui có khi vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đức Tin tưởng là không có hoặc đã đánh mất, bỗng bừng tỉnh và dẫn đưa con người sa ngã như thể trỗi dậy, bước đi những bước sau hết trong bình an vào cõi sống muôn đời...

3. CHƯA TIN MÀ NHƯ THỂ ĐÃ TIN – TỪ BÓNG TỐI TIẾN DẦN ĐẾN CÙNG ÁNH SÁNG

Không thiếu gì những chứng tá cho thấy nhiều người không Công Giáo, thậm chí là người vô thần, lại có một cuộc sống tốt lành như thể được chính Thiên Chúa hướng dẫn, như thể họ có sẵn một hạt mầm Đức Tin ẩn tàng chôn sâu trong thửa đất tâm hồn. Và chỉ chờ đến một lúc, đến "Giờ của Chúa" bày tỏ quyền năng yêu thương, những con người tuyệt vời ấy bật thốt lên lời tuyên xưng vào Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta có thể xếp họ vào loại "những kẻ sống theo sự thật". Lương tri của họ dẫu chưa biết Chúa, chưa tin, chưa theo Chúa, thì vẫn là lương tri xuất phát từ Thiên Chúa, là "thiên lương", là "thiện lương", là "Thiện Căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài" theo cách diễn tả của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Họ không ở trong bóng tối nhưng đang "đến cùng ánh sáng". Và cuộc đời những con người ấy xứng đáng được coi là "đã được thực hiện trong Thiên Chúa".

Có một nhà văn lão thành từ thời Tự Lực Văn Đoàn, sau theo Cách Mạng có nhiều công to trong ngành văn hóa văn nghệ. Đến cuối đời già yếu vào Sàigòn, cụ cứ thấy trăn trở băn khoăn mãi về cuộc sống sau cái chết dù cả đời cụ đã chẳng làm điều gì độc ác. Cụ được một người quen giới thiệu với cha Tiến Lộc, DCCT, cha đã đến và trò chuyện với cụ mới biết từ gần bảy mươi năm trước, khi còn bé học trường bà sơ, đã được dạy cho Kinh Kính Mừng bằng tiếng Pháp. Nay nhắc đến, cụ vẫn đọc được trôi chảy và thật trân trọng. Những giờ phút cuối lìa đời, cụ đã được thanh tẩy với tên Thánh Bổn Mạng là Maria. Hóa ra chính Đức Mẹ đã gieo một hạt giống Đức Tin bé nhỏ từ lâu lắm rồi ! Và nay chính Đức Tin ấy dẫn cụ già đến với Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ...

4. TIN MÀ VẪN CHƯA TIN – LẬP LỜ GIỮA ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

Cuối cùng, tuy không thấy Chúa Giêsu nói gì về một thái độ lập lờ nước đôi, tin mà lại chưa thật sự tin, nhưng chúng ta cũng nhận thấy nơi nhiều người mang danh là Kitô hữu chung quanh chúng ta, cũng đôi khi ngay chính nơi chúng ta một cung cách sống Đạo ma... vô Đạo. Hỏi có tin không thì thưa vẫn có tin đấy chứ, nhưng xét lòng một cách chân thành tới nơi tới chốn, thì phải thú thật rằng mình đã sống tệ hại không khác gì kẻ không tin !

Coi chừng, thái độ tin nửa vời như thế đã từng bị Chúa Giêsu cảnh cáo là đạo đức giả, là dở dở ương ương, "giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế"; "bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác" ( Mt 23, 27 – 28 ).

Thật vậy, một thái độ nửa nạc nửa mỡ, ba rọi như thế chỉ là một thứ ngụy trang cho một kiểu cách sống chất chứa toàn những điều sai quấy: mở cửa tiệm với một bàn thờ Thần Tài để trong góc; xây nhà cũng phải mời thầy địa lý để chấn trạch yểm bùa; cưới gả con cái phải đi coi bói, xem tướng cho bằng được; buôn bán thì gian lận, quịt nợ ăn bớt hớt xén; sẵn sàng hối lộ tham nhũng để thu vén càng nhanh càng nhiều càng tốt; khi giàu rồi thì ăn chơi sa đọa, vung tiền qua cửa sổ để hưởng thụ thừa mứa, nhưng lại keo kiệt tàn nhẫn đối với người làm công cho mình; cư xử bất hiếu với cha mẹ, bạc bẽo phi nghĩa với mọi người, lăng nhăng ngoại tình, phá thai; chẳng từ một thủ đoạn độc ác và dối trá nào để đạt được ý muốn riêng v.v... Vậy mà vẫn chẳng bỏ Nhà Thờ Nhà Thánh bao giờ, vẫn đọc kinh lần chuỗi, thậm chí còn tham gia hội đoàn và ghi sổ vàng bác ái khi có dịp để gọi là... thêm công đức !

Kitô hữu mà như thế thì là phản Kitô, phi Kitô ! Tin mà như thế thì chẳng khác gì không tin ! Mà không tin tức là đã "bị lên án rồi", tức là đã tự mình chìm sâu vào bóng tối của sự chết.

May quá, Giáo Hội vẫn được Chúa Giêsu ủy thác cho quyền năng tha thứ và chữa lành trong Bí Tích Hòa Giải và Thánh Lễ, để qua mọi biến cố buồn vui thăng trầm của cuộc đời, qua lời cầu nguyện của những người thiện chí, qua cả nhịp sống Phụng Vụ với các Mùa Vọng và Mùa Chay, qua chính dịp Lễ Chúa Cứu Thế hàng năm như chúng ta sắp cùng anh em DCCT toàn thế giới mừng kính sắp tới đây, những tâm hồn sai lạc đáng thương ấy vẫn còn có cơ may để sám hối, để được giao hòa trở lại cùng Thiên Chúa...

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
Lễ Chúa Cứu Thế

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Lựa chọn!



Ta chọn người này vì không dám bắt đầu lại từ đầu
ta chọn người này vì sợ những bất trắc ở một cuộc đời mới

ta chọn người này vì mọi người chung quanh ta vẫn luôn mong đợi

những-người-sống-giùm-cuộc-đời-ta...

*

Tại sao ta chọn người này? điều giản đơn quá mà

có một người chờ ta sau một ngày mệt mỏi

có một người thấm ướt khăn và lau dùm đôi bàn tay dính bụi

có một người giặt phai một mùi hương trên áo mà không cần hỏi

mùi hương ấy đến từ đâu?

*

Ta không chọn người đó bởi không tin vào những gì bền lâu

những giấc mơ nửa đêm về sáng

thương một người cũng như đánh rơi một giọt nước mắt

quyền quyết định đã thuộc về những hạt cát

nơi tiếp nhận giọt nước mắt buồn kia

*

Ta không chọn người đó vì muốn từ chối những gì thuộc về... ngày xưa

những tuyệt vọng khi yêu một người mà cam tâm lãng quên thế giới

làm điều gì cũng sợ người kia sẽ đau nhói

nhất là lúc cuộc đời đưa ta về qua những hẻm tối

vẫn luôn luôn nhìn thấy một vì sao!

*

Khi được quyền chọn lựa ta đâu biết mình đang hạnh phúc xiết bao

có cơ hội nhìn thấy nụ cười hơn nước mắt

ta cho phép ta buông tay nơi này và giữ chặt ở một nơi khác

miễn sao lòng mình đủ thanh thản

cho những lần đối mặt ở ngày sau

*

Không cần biết người này cũng chênh vênh ngay từ lúc gật đầu

nỗi mơ hồ của người đứng trong làn sương mù buổi sáng

chỉ muốn bước chân tiếp theo sẽ đi cùng một người thân thiết

đi và cố tin vào một tình yêu bất biến

không chút nghi ngờ lẫn nhau!

*

Không cần biết người đó sợ đến mức nào cảm giác ngồi trong đêm thâu

chẳng dám nằm xuống vì biết rằng không muốn đứng lên nữa

tại sao yêu một người mà không thể tựa vai vào người đó

yêu một người mà phải học cách đứng một mình trong chiều gió

nhìn hơi ấm cứ cạn dần đi...

*

Khi ta chọn người này và trả lại người đó về trong ý nghĩ hoài nghi...

(và nỗi hoài nghi như thế nào chắc có lẽ chỉ riêng mình ta biết!)



Phong Việt 6/4/2009.

Một chuyện tình


Một hôm, tôi dậy sớm để xem cảnh hừng đông vừa mới hé,
Ôi, công trình Thiên Chúa mới diễm lệ xiết bao.
Mắt đắm nhìn, tôi ngợi khen Thiên Chúa về những kỳ công nhiệm mầu...
Tôi ngồi đấy, và thấy rằng Chúa hiện diện.
Người hỏi tôi:
"Con có yêu mến Ta không?"
Tôi đáp:
"Lẽ tất nhiên, lạy Chúa! Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ con."
Và Người hỏi:
"Nếu con mang khuyết tật,con có còn yêu mến Ta không?"
Tôi ngỡ ngàng, nhìn xuống tay chân và toàn bộ hình hài,
Rồi nghĩ rằng có bao nhiêu điều tôi sẽ khôn tài nào làm được,
Ngay cả những điều tôi thấy là đương nhiên.
Và tôi trả lời:
" Hẳn là sẽ rất khó đấy, lạy Chúa, nhưng... con vẫn yêu Chúa."
Người lại hỏi:
"Nếu con mù, con có còn yêu cá thọ tạo của Ta chăng?"
Làm sao có thể yêu một điều mình không thể thấy nhỉ?
Và tôi nghĩ đến bao nhiêu người mù trên thế giới
Và biết bao trong số họ
Vẫn cứ yêu mến Chúa và muôn thọ tạo của Người.
Thế nên tôi đáp lời:
"Nghĩ như thế thật đau lòng, nhưng... con vẫn yêu Ngài!"
Chúa tiếp tục hỏi:
"Nếu con điếc, con có còn chịu lắng nghe Lời Ta không?"
Làm sao lại có thể nghe được gì khiến tai mình bị điếc?
Rối tôi chợt hiểu:
Nghe Lời Chúa không chỉ bằng đôi tai, mà bằng chính tâm hồn.
Tôi trả lời:
"Thật khó lòng làm như thế, nhưng... con vẫn yêu Ngài!"
Người lại hỏi: Nếu con câm, con vẫn con ca tụng danh Ta chứ?"
Làm sao mà có thể ca tụng khi mình không còn giọng hát?
Rồi tôi chợt nhận ra:
Chúa muốn tôi ca lên từ đáy sâu tấm lòng chân thật.
Tiếng ca của tôi dẫu có thế nào cũng được.
Và ngợi khen Chúa không chỉ là hát ca
Nhưng trong những ngày gian nan,
Tôi sẽ ca ngợi Chúa bằng cách cảm tạ Người.
Vì thế tôi mới nói:
"Dù con không thể hát, con vẫn còn ngợi ca Chúa đến trọn đời."
Đến đây, tôi ngỡ rằng mình đã trả lời quá hay,
Nhưng... Chúa chợt hỏi:
"Thế, vì sao con phạm tội?"
Tôi vội trả lời: "Vì con chỉ là con người, con chưa phải trọn lành."
"Thế sao khi yên ổn, con lại xa Ta thế?
Vào những lúc nguy nan, con mới biết cầu nguyện hết lòng?"
Tôi đành nín lặng, và tôi chỉ còn biết khóc...
Chúa lại dồn dập hỏi:
"Sao con chỉ hát với cộng đoàn và trong những buổi tĩnh tâm?
Sao con chỉ kiếm tìm Ta trong những khi thờ phượng?
Sao con cầu xin bao nhiêu thứ chỉ vì mình con?
Sao con cầu xin mà lại thiếu lòng xác tín?"
Lệ trào mi chảy xuống má của tôi...
"Sao con xấu hổ về Ta?
Sao không rao giảng Tin Mừng cho đến nơi đến chốn?
Sao khi gặp gian truân, con lại đi thở than với người khác,
Trong khi chính Ta trao vai mình cho con tựa vào mà khóc?
Sao con lại chối từ khi Ta cho con cơ hội phục vụ danh Ta?"
Tôi muốn trả lời, nhưng còn biết nói gì đây?
"Ta ân ban cho con sự sống, đâu có phải là để con vứt bỏ!
Ta ân ban cho con tài năng để phục vụ Ta, nhưng con đã vội quay lưng!
Ta mặc khải Lời Ta cho con, nhưng con không thêm gì trong hiểu biết!
Ta nói khó với con, nhưng con cứ bịt tai!
Ta chúc phúc cho con, nhưng con hướng mắt nhìn nơi khác!
Ta sai tôi tớ đến với con, nhưng con ngồi yên khi họ bị đuổi xua!
Ta nghe lời con cầu và đã nhậm lời mọi điều con cầu khần.
Vậy, con có thực sự yêu mến Ta chăng?"
Tôi không thể trả lời. Làm sao trả lời đây? Tôi vô cùng bối rối.
Tôi không còn lời biện bạch. Tôi có thể nói gì đây?
Lòng kêu thét và mắt tôi đẫm lệ, tôi trình Người:
"Lạy Chúa, xin thứ tha, con không xứng làm con của Chúa!"
Chúa đáp lời:
" Ân huệ của Cha đấy, con ơi!"
Tôi bèn hỏi:
"Sao Chúa vẫn tha thứ cho con? Sao Chúa lại yêu con thế?"
Chúa trả lời:
"Vì con là công trình sáng tạo của Ta.
Con là con của Ta. Ta chẳng thể nào bỏ rơi con.
Khi con khóc, Ta đồng cảm và cùng khóc với con.
Khi con hớn hở reo vui, Ta cùng cười với con.
Khi con suy sụp tinh thần, Ta luôn khích lệ con.
Khi con vấp ngã, Ta nâng con trỗi dậy.
Khi con mệt mỏi, Ta đã bồng bế con trên tay.
Ta sẽ ở cùng con cho tới ngày sau cùng,
Và Ta sẽ còn yêu thương con mãi mãi."
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế.
Làm sao tôi đã từng có thể sống dửng dưng?
Làm sao tôi đã từng xúc phạm Chúa quá nhiều?
Tôi hỏi Chúa:
"Vậy Chúa thương con đến mức độ nào?"
Chúa đưa tay và tôi thấy dấu đinh xuyên thấu,
Tôi gục đầu dưới chân Chúa của tôi
Và lần đầu tiên trong đời
Tôi đã biết cầu nguyện thực sự...

Nguyên tác Love Story
bản dịch của Trần Duy Nhiên.