VRNs (25.07.2010) - Sài Gòn - Hôm nay, Tin Mừng ngày Chúa Nhật thứ 17 mùa Thường niên C, thánh Luca thuật lại cho chúng ta khung cảnh và lời dạy của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện.
Kinh Lạy Cha là một lời kinh quen thuộc và thiết thân với từng người Kitô hữu, lợi ích từ lời cầu nguyện là một tất nhiên của đời sống đức tin. Tuy nhiên cái hồn của lời nguyện cầu mới là điều cần cho chúng ta suy ngẫm.
Cha-con
Cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng ta được tham dự vào gia đình của Thiên Chúa bằng cách được nhận Thiên Chúa là Cha của mình, được đối xử như một người con và được thừa hưởng gia tài không hề hư nát của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu kéo chúng ta vào trong mối tương quan thân mật này, tương quan cha-con, và bởi trong mối tương quan này, chúng ta được dâng lời cầu nguyện. Đây là tinh thần nền tảng của lời kinh Lạy Cha. Không vào trong mối tình cha-con, không thể cất lời cầu nguyện được, đứng ngoài mối tương quan này thì lời kinh chỉ là tiếng kệ trống rỗng.
Mối bận tâm
Khi ra trước mặt Chúa, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường bận tâm điều gì nhất, điều gì dành ưu tiên trong suy nghĩ và ước vọng của chúng ta? Điều gì chiếm thời gian và năng lực của chúng ta nhất?
Là một người con trong gia đình, điều gì làm cho ta lo lắng và trăn trở nhất, chuyện làm ăn của mình, chuyện học hành của mình, chuyện tình cảm của mình, chuyện…. của mình hay chuyện của cha mẹ? sức khỏe của cha mẹ, hoàn cảnh của cha mẹ, công việc của cha mẹ, mối bận tâm của cha mẹ,…? Đâu là tiêu chuẩn đánh giá tình cảm của con dành cho cha mẹ?
Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho (Mt, 6, 33)
Chúa Giêsu dẫn chúng ta vào trong mối tương quan cha-con, Chúa Giêsu truyền cho chúng ta tâm tình hiếu thảo chân thật của một người con đối với cha mẹ. Những lời ước nguyện về triều đại, danh tánh và ý muốn của cha mình chiếm trọn tâm hồn Ngài, ưu tiên trong suy nghĩ của Ngài, bận tâm nhất trong mọi hoạt động của Ngài (phần 1 của kinh).
Những lo lắng nhẹ nhàng đầy phó thác về cuộc đời của mình là lời nguyện cầu kế tiếp, sau khi đã dành trọn tâm trí cho sự nghiệp của Thiên Chúa Cha. Biết đói, biết sợ, biết lo âu, nhưng vẫn tin rằng Cha là tất cả cho mình trong niềm tin quan phòng yêu thương (phần 2 của kinh).
Hằng ngày chúng ta đọc kinh Lạy Cha theo tâm tình nào?
Lm. Vinhsơn Phạm Trung Thành, dcct.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét